Bỏ tử hình một số tội danh: Không phải khoan dung với tội phạm mà là điều chỉnh phù hợp

Sáng 27/5/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Đây là dự án luật do Bộ Công an được phân công chủ trì soạn thảo, nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án...

Tù chung thân không xét giảm án - vừa răn đe, vừa đảm bảo nhân đạo

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, nội dung sửa đổi lần này có điểm rất quan trọng thể hiện tại Điều 32, khoản 1, điểm g là bổ sung thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án. "Thực chất đây là thu hẹp hình phạt tử hình. Tôi nhận thấy, quy định này làm việc xét xử được hợp lý hơn, đối với 1 hình phạt rất cân não là tử hình. Đây cũng là ý kiến của một vị Chánh án nhiều năm phát biểu tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Nhiều khi có những tội, nếu xử tử hình thì hơi nặng quá, mà chung thân thì hơi nhẹ, bây giờ có thêm hình phạt này làm cho quá trình xét xử phù hợp hơn", ông nói.
 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường.

 
Bên cạnh đó, hình phạt này vẫn đạt được yếu tố răn đe vì đã đáp ứng yêu cầu loại trừ kẻ phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, phù hợp quan điểm của Đảng và nguyện vọng của đa số người dân. "Điều này là nhân văn, vì một bộ luật vừa đảm bảo thực sự nghiêm khắc với tội phạm nhưng thể hiện được sự nhân đạo, phù hợp với ý chí của nhân dân thì đó là một bộ luật nhân văn của một quốc gia văn minh. Vì vậy, tôi xin bày tỏ sự ủng hộ" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật lần này thể hiện tinh thần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh mới. "Trước tiên, tôi nhất trí với quy định bổ sung hình phạt chính mới là tù chung thân không xét giảm án, bên cạnh các hình phạt đã được quy định tại Điều 32 của BLHS hiện hành", bà khẳng định.

Việc bổ sung hình phạt này là rất cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Tù chung thân không xét giảm án sẽ là hình phạt thay thế hợp lý cho tử hình đối với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng nhưng có thể xét đến yếu tố nhân đạo, cải tạo lâu dài.
 

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường.


Đại biểu phân tích, quy định này vừa đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao, vừa thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước khi không áp dụng hình phạt tử hình, tước bỏ quyền sống, của một số tội danh nhưng vẫn đảm bảo cách ly lâu dài những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khỏi xã hội. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự phân hóa rõ ràng giữa hình phạt tù chung thân thông thường và hình phạt tù chung thân không được xét giảm, từ đó phản ánh đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thái độ cải tạo của người phạm tội.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga dẫn chứng, theo tiến trình phát triển của xã hội, từ năm 1999 đến nay, qua các lần sửa đổi, số lượng tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 18 tội và dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi... Quy định như vậy rất phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế, đó là nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa. Điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam. Đặc biệt là với một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và hiệu quả, trên thực tế hầu như không áp dụng.

"Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm, mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay", nữ đại biểu bổ sung.

Về việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho rằng, tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các chế tài hiện nay, khi xuất hiện trong BLHS năm 1985, số tội danh phải chịu hình phạt tử hình là 44. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung thì đã thu hẹp xuống 29-22-28 và nay dự kiến còn 10.
 

ĐBQH Vũ Huy Khánh phát biểu tại hội trường.


"Trong bối cảnh thể chế hoá chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự và góp phần khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định áp dụng hình phạt tử hình của BLHS hiện hành thì việc xác định 8 tội danh bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt khác đã đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa", ông bày tỏ.

Đại biểu đánh giá, điểm mới lần này với các lần thu hẹp hình phạt tử hình khác trước đây là xuất hiện hình phạt chung thân không xét giảm án - được xem như hình phạt chính, không tước đi quyền được sống của người phạm tội nhưng sẽ cách ly người phạm tội suốt đời ra khỏi đời sống xã hội. Hình phạt này vừa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cá biệt - phòng ngừa với chính người phạm tội và vừa đảm bảo phòng ngừa chung đối với xã hội.

Cần biện pháp nghiêm khắc hơn xử lý đối tượng sử dụng ma tuý

Liên quan việc dự thảo Luật bổ sung tội Sử dụng trái phép chất ma túy tại điều 256a, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đây không phải là tội danh mới, mà trước đây đã được quy định tại Điều 199, Bộ luật Hình sự 1999. Đến năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành đã bãi bỏ tội danh này. Thời điểm đó, chúng ta quyết định bỏ tội danh này với quan điểm nhân đạo, nhìn nhận người nghiện ma túy với tư cách là bệnh nhân.
 

Quang cảnh hội trường.


"Tuy nhiên, đến nay, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Đáng báo động là số lượng người sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, với xu hướng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác, mất kiểm soát hành vi. Điều này dẫn tới những hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn như giết người, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng... Trong khi đó, việc xử lý hành chính dường như không phát huy hiệu quả răn đe và phòng ngừa. Sau khi bị xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cai nghiện... tỷ lệ tái nghiện vẫn rất cao...", đại biểu lý giải và khẳng định, điều này đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp có tính nghiêm khắc hơn để xử lý những đối tượng sử dụng ma túy, góp phần răn đe và tăng hiệu quả phòng ngừa.

"Tôi nhất trí đưa tội Sử dụng trái phép chất ma tuý vào luật vì phù hợp với các chỉ đạo của Bộ Chính trị và nguyện vọng của nhân dân. Đã có tranh luận người nghiện ma tuý là bệnh nhân hay tội phạm. Tôi thấy, sử dụng trái phép ma tuý là tội phạm. Sử dụng ma tuý nhiều lần đến mức nghiện thì càng rõ là tội phạm", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu.

Quỳnh Vinh - Duy Thanh