Dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ…
 |
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang hàng nhiệm vụ. Nghị quyết nêu rõ quan điểm đến năm 2030, đối với cán bộ lãnh đạo chỉ huy Quân đội, Công an “có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; từ 20-30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”. Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị cũng xác định mục tiêu “đến năm 2030, từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp, nhất là người đứng đầu đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Cục và tương đương trở lên, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; trong đó đã xác định mục tiêu cụ thể và định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ khi Đề án được ban hành đến nay, các đơn vị chức năng của Bộ vẫn chưa có phương án hoàn thiện tiêu chí về khung năng lực, trình độ, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế theo từng cấp Công an, từng đơn vị, từng lĩnh vực, vị trí công tác.
 |
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế” là diễn đàn khoa học có ý nghĩa quan trọng, nhằm nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; qua đó cung cấp các luận cứ khoa học, các kiến nghị, đề xuất giải pháp để Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực Công an nhân dân (CAND), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tỉnh hình mới.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận được nghiên cứu công phu, có chất lượng và hàm lượng khoa học cao, thể hiện sự tâm huyết, chiều sâu nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn và Công an các đơn vị, địa phương đối với công tác giáo dục đào tạo trong CAND.
.jpg?width=1000) |
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành đã chỉ ra một số yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác xây dựng lực lượng CAND ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Trong đó nhấn mạnh việc kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong CAND. Đổi mới cơ chế, tạo thuận lợi để các cơ sở đào tạo trong CAND, nhất là các cơ sở giáo dục đại học mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, liên kết xuất bản các tạp chí khoa học nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật giữa các bên và cập nhật những công nghệ mới vào giảng dạy.
Từ góc độ cơ sở đào tạo, Thượng tá, TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cần thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt, gắn với từng đối tượng lãnh đạo, chỉ huy, tập trung bồi dưỡng các tư duy, kỹ năng và kiến thức nhằm tiếp cận nhanh với môi trường làm việc quốc tế. Trong đó, chú trọng nâng cao tư duy chiến lược và năng lực ra quyết định; kỹ năng lãnh đạo và phương hướng tổ chức; tăng cường cập nhật trao đổi về pháp luật quốc tế và các nội dung hợp tác quốc tế có liên quan đến lực lượng CAND. Ngoài ra cũng cần chú trọng đổi mới trong cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, xử lý các tình huống có thể xảy ra; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nhằm bắt kịp với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cũng cho rằng, để đào tạo cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, cần cả kiến thức chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm. Do đó, Bộ Công an cần xây dựng chiến lược đào tạo cả về dài hạn và ngắn hạn. Trong đó, cần quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt để đội ngũ này có thể đào tạo được cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; sẵn sàng cử cán bộ, giáo viên đi học tập, đào tạo ở nước ngoài; xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo ngày càng có sự chia sẻ, hội nhập với quốc tế; mở rộng liên kết các chương trình đào tạo chất lượng cao; tranh thủ mở rộng nguồn tuyển dụng được những học sinh có năng lực nổi trội về ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật và công nghệ để vào đào tạo tại các học viện, trường CAND…
 |
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tổng kết Hội thảo. |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm gửi tới Hội thảo; khẳng định, thông qua Hội thảo đã làm rõ hơn về nhận thức đối với nội hàm của từ và cụm từ, về vị trí vai trò, và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Hội thảo cũng đã thống nhất đánh giá 03 thành tựu cơ bản của công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND thời gian qua nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế nói riêng. Đó là hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND ngày phát triển đi vào chiều sâu, được kiện toàn phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới nhà trường của hệ thống giáo dục quốc dân và chủ trương xây dựng lực lượng CAND tỉnh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đổi mới mạnh mẽ tư duy đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường đào tạo tập trung, đào tạo, bồi dưỡng vì yêu cầu công việc đi đôi với nâng cao tính chủ động và năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với thực tiễn, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; Quan hệ, hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo được triển khai mở rộng, đa dạng, phong phú, linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hiệu quả thiết thực.
Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa, hiểu sâu, hiểu thấu đáo hơn nữa về nội dung, nội hàm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Cục Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương khảo sát, đánh giá thực trạng toàn diện cán bộ, chiến sĩ về trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, khoa học công nghệ và năng lực làm việc, kỹ năng chuyên môn, phẩm chất, đạo đức và trao đổi với Cục Đào tạo, các Học viện, trường CAND báo cáo, đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ chỉ đạo về xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch cụ thể rõ về xuất mức độ, số lượng, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đến năm 2030 có từ 20% đến 30% lãnh đạo, chỉ huy Công an có đủ năng lực, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế.
 |
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Trên cơ sở 04 tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế được xác định trong Đề án số 06, ngày 30/11/2022 của Bộ về “Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp, nhất là người đứng đầu đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Cục và tương đương trở lên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ giao Cục Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tiêu chí về khung năng lực, trình độ, điều kiện làm việc theo môi trường quốc tế theo từng cấp Công an, từng đơn vị, từng lĩnh vực, vị trí công tác. Khảo sát, đánh giá thực tế đội ngũ cán bộ để xác định rõ % số cán bộ đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn, phát huy được chuyên môn, sở trường làm việc trong môi trường quốc tế, và % cán bộ chưa đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn, bao nhiêu % đã đủ tiêu chuẩn nhưng bố trí phân công công tác trái ngành, trái nghề để tham mưu đề xuất đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ phù hợp, hiệu quả.
Ban Tổ chức Hội thảo nghiên cứu tham mưu đề xuất với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục Đào tạo và các Học viện, trường CAND phối hợp với trường Đại học ngoại ngữ, Học viện quốc tế liên kết đào tạo ngoại ngữ, đề xuất tiêu chí đầu ra đối với học sinh, sinh viên khi ra trường có đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế…