Việt Nam tham dự cuộc họp lần thứ ba liên quan xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ

09/12/2022
Lượt xem: 885
Từ ngày 06-08/12/2022 tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, Ban Thư ký ASEAN đã chủ trì tổ chức cuộc họp lần thứ ba Nhóm công tác Hội nghị quan chức pháp luật cấp cao về xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ. Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Thư ký ASEAN và đại biểu 10 nước ASEAN.

Đoàn công tác Việt Nam (gồm các đại diện đến từ Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ) do Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã tham dự cuộc họp này.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an (bên phải) – Trưởng Đoàn công tác Việt Nam.

 

Trên tinh thần làm việc nghiêm túc và có hiệu quả, các quốc gia thành viên ASEAN đã tiếp tục thảo luận về các điều khoản tiếp theo của dự thảo Hiệp định gồm: căn cứ bắt buộc từ chối dẫn độ (khoản 3 Điều 4); căn cứ có thể từ chối dẫn độ (Điều 5); dẫn độ công dân (Điều 6); yêu cầu dẫn độ và các tài liệu kèm theo (Điều 7); bắt khẩn cấp (Điều 8); thông tin bổ sung (Điều 9); bảo mật (Điều 10); chứng thực (Điều 11); ngôn ngữ tài liệu (Điều 12); nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người (Điều 13) và thủ tục dẫn độ đơn giản (Điều 15).

Kết thúc cuộc họp, nhiều nội dung tại các điều, khoản nêu trên chưa được các quốc gia thành viên ASEAN nhất trí, phần lớn sẽ được tiếp tục thảo luận tại các cuộc họp tiếp theo. Điều này là do các quốc gia ASEAN theo các hệ thống pháp luật khác nhau nên pháp luật về dẫn độ của mỗi nước có nhiều điểm khác biệt. Một số nội dung có sự khác biệt giữa các nước gồm:

- Về căn cứ có thể từ chối dẫn độ: Việt Nam, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin nhất trí bỏ căn cứ có thể từ chối dẫn độ trong trường hợp việc buộc tội người bị yêu cầu dẫn độ không đảm bảo nguyên tắc công bằng hoặc người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị áp dụng mức hình phạt bất công. Trong khi Xinh-ga-po và Thái Lan vẫn muốn quy định đây là trường hợp có thể từ chối dẫn độ.

- Vấn đề về dẫn độ công dân: Phi-líp-pin nhất trí với việc dẫn độ công dân của mình cho Bên yêu cầu. Trong khi đó, pháp luật của Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Lào, Thái Lan, Bru-nây quy định về việc “có thể” dẫn độ công dân. Việt Nam, Căm-pu-chia và In-đô-nê-xi-a có quan điểm về việc từ chối dẫn độ công dân.

- Về thời hạn Bên được yêu cầu chấm dứt bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ trong trường hợp khẩn nếu trong thời hạn đó Bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu chính thức về việc dẫn độ và các tài liệu kèm theo của Bên yêu cầu: Xinh-ga-po là 30 ngày; In-đô-nê-xi-a là 45 ngày; các nước ASEAN khác là 60 ngày.

- Pháp luật các nước cũng quy định khác nhau về thời hạn bổ sung thông tin: Xinh-ga-po, Mi-an-ma là 30 ngày; In-đô-nê-xi-a là 45 ngày; Việt Nam là 60 ngày; các nước khác chưa có quan điểm về thời hạn này.

Đại biểu các nước tham dự Cuộc họp.

 

Cuộc họp tiếp theo dự kiến được tổ chức từ ngày 14-17/3/2023 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a do In-đô-nê-xi-a chủ trì. Dự kiến các quốc gia ASEAN sẽ hoàn thành dự thảo Hiệp định để đệ trình lên Hội nghị quan chức pháp luật cấp cao ASEAN lần thứ 22 và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 12 để xem xét, quyết định.

 

Hồng Giang
Các bài viết khác
Tìm kiếm