 |
Hội nghị INTERPOL khu vực châu Âu lần thứ 5. |
Một trong các sáng kiến về việc tăng cường hợp tác qua kênh INTERPOL để đối phó với tội phạm có tổ chức ở khu vực châu Âu là Dự án I-CAN. Dự án được ra mắt vào năm 2020 do INTERPOL và Bộ Nội vụ Ý phối hợp triển khai nhằm chống lại mối đe dọa của mafia, trong đó có băng đảng mafia khét tiếng của Ý “Ndrangheta”. “Ndrangheta” được coi là tổ chức tội phạm quy mô và quyền lực nhất thế giới, có nguồn gốc từ vùng Calabria, Ý, hoạt động ở 32 quốc gia, trong đó có 17 nước châu Âu. Ndrangheta được hỗ trợ bởi nguồn tài chính dồi dào có được thông qua các hoạt động mua bán ma túy, tham nhũng, lừa đảo và gian lận thương mại. Tính đến tháng 4/2023, thông qua Dự án I-CAN, cơ quan chức năng của các quốc gia thành viên đã trao đổi hàng chục nghìn lượt thông tin tội phạm liên quan, tiến hành bắt giữ 46 thành viên của tổ chức tội phạm này.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã thông qua một số khuyến nghị nhằm kết nối chặt chẽ hơn nữa các nỗ lực quốc tế trong một số lĩnh vực chiến lược, bao gồm chống khủng bố, buôn bán trái phép và chia sẻ dữ liệu.
Ông Peter De Buysscher, Phó Chủ tịch INTERPOL phụ trách khu vực châu Âu, chủ trì Hội nghị cho biết: Vấn đề quan trọng nhất trong hợp tác Cảnh sát quốc tế là trao đổi thông tin. Các thông tin, dữ liệu mà các quốc gia đóng góp vào hệ thống cơ sở dữ liệu INTERPOL không chỉ là đóng góp cho an ninh quốc gia, cho khu vực mà còn là cho an ninh toàn cầu.
Hiện nay, khối lượng dữ liệu trong ngành Cảnh sát đã tăng lên đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra của các cơ quan chức năng nhưng cũng đặt ra những thách thức nhất định trong quản lý và bảo mật của dữ liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu toàn cầu của INTERPOL mang tính bảo mật cao, giảm thiểu trùng lặp, tăng cường liên kết nhằm hỗ trợ cho các điều tra viên hoặc các đơn vị tuyến đầu có thể truy cập một cách nhanh nhất vào các cơ sở dữ liệu của tổ chức.