Văn bản hợp nhất Thông tư hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Mới đây, Bộ trưởng Tô Lâm đã ký ban hành văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BCA, hợp nhất Thông tư hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

 

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: ô tô trên 09 chỗ ngồi, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; nguyên tắc, kiểm định, kinh phí bảo đảm trang bị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Đối tượng áp dụng, gồm: Chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cơ quan, tổ chức quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

 

Nguyên tắc trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là phải tuân thủ quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời phải phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm hoạt động của phương tiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC. Bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, đúng định mức, đúng mục đích.

 

Về danh mục, định mức trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư quy định cụ thể: Danh mục, định mức trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Danh mục, định mức trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ được hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Tùy đặc điểm loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và khả năng bảo đảm kinh phí, chủ sở hữu phương tiện hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước căn cứ kinh phí được bảo đảm có thể trang bị thêm các loại phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý như: Bình chữa cháy, phương tiện cứu người, quần, áo chữa cháy, mũ chữa cháy, ủng chữa cháy, hộp sơ cứu kèm theo các dụng cụ cứu thương và các loại phương tiện PCCC cần thiết khác. Phương tiện PCCC trang bị đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.