Quy định mới về cơ sở dữ liệu thi hành án hình sự

Ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 59/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2020 và thay thế Nghị định số 20/2012/NĐ-CP ngày 20/3/2012 quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.

Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng (gọi chung là xây dựng, quản lý, sử dụng) cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) về thi hành án hình sự. Áp dụng đối với cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, sử dụng CSDL về thi hành án hình sự.

 

Theo đó, CSDL về thi hành án hình sự là tập hợp thông tin về tình hình, kết quả thi hành án hình sự và thông tin khác có liên quan đến người, pháp nhân thương mại chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về các hình phạt và biện pháp tư pháp. CSDL về thi hành án hình sự do Bộ Công an thống nhất quản lý là một bộ phận của hệ CSDL quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự. CSDL về thi hành án hình sự bao gồm: CSDL về thi hành án hình sự trong Công an nhân dân; CSDL về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân. 

 

Tại Điều 5 của Nghị định quy định cụ thể CSDL về thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, như sau:
- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an là cơ quan quản lý CSDL về thi hành án hình sự có trách nhiệm xây dựng, quản lý, sử dụng CSDL về thi hành án hình sự trên phạm vi toàn quốc.
- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm: Thu thập, cập nhật thông tin, khai thác CSDL về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý; Cung cấp dữ liệu thi hành án hình sự về cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

 

Ngoài ra, Điều 8 của Nghị định cũng quy định rõ những thông tin trong CSDL về thi hành án hình sự, bao gồm: Thông tin về tình hình, kết quả thi hành án hình sự trong CSDL về thi hành án hình sự; Thông tin cơ bản về người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp trong CSDL về thi hành án hình sự; Thông tin cơ bản về pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp trong CSDL về thi hành án hình sự. 

 

Nghị định cũng quy định rõ hai hình thức khai thác và sử dụng CSDL về thi hành án hình sự là khai thác qua mạng máy tính nội bộ; khai thác bằng văn bản hoặc phiếu đề nghị cung cấp. Đồng thời, cơ quan tham gia xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin và duy trì CSDL về thi hành án hình sự được quyền khai thác dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin về thi hành án hình sự có quyền từ chối yêu cầu cung cấp thông tin nếu có căn cứ cho rằng yêu cầu đó trái pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp...

 

Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Công an được quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định như sau:
- Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CSDL về thi hành án hình sự.
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về CSDL về thi hành án hình sự.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng CSDL về thi hành án hình sự.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng CSDL về thi hành án hình sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.