Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy

Ngày 08/7/2020, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC); dự thảo gồm 04 chương 16 điều.

 

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết về nội dung, nguyên tắc, hồ sơ, chế độ thống kê, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC. Thông tư này áp dụng đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ (sau đây viết gọn là cán bộ, chiến sĩ) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC; Công an các đơn vị, địa phương; Lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành; Cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC.

 

Theo đó, công tác quản lý phương tiện PCCC quy định rõ tại Điều 6 dự thảo, trong đó, xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, máy bơm chữa cháy phải được để trong nhà có mái che; tàu, xuồng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bố trí bến đậu bảo đảm yêu cầu hoạt động của phương tiện. Các phương tiện PCCC khác phải được để trong nhà có mái che hoặc để trong các khoang chứa phương tiện của xe chữa cháy, xe chuyên dùng và quản lý an toàn, bảo đảm sẵn sàng thường trực chiến đấu. 

 

Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, máy bơm chữa cháy và các phương tiện PCCC khác chưa sử dụng được niêm cất trong kho phải đảm bảo luôn để ở vị trí sạch sẽ, khô ráo. Nơi quản lý phương tiện PCCC phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.

 

Đáng chú ý, dự thảo này đã nêu rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC; trách nhiệm của người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, gồm: Trách nhiệm của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp huyện.

 

Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 dự thảo, bao gồm:
- Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế, cho mượn phương tiện PCCC được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và các hành vi trục lợi khác.
- Tự ý thay đổi cấu tạo, tính năng, tác dụng của phương tiện PCCC mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
- Sử dụng phương tiện PCCC không đúng mục đích, định mức, chế độ.
- Hủy hoại, phá hoại làm hư hỏng phương tiện PCCC được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng./.