Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến 02 dự thảo Thông tư về công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân

Ngày 26/8/2021, Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (05 chương 25 điều) và dự thảo Thông tư quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (03 chương 26 điều) để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (CAND) có quy định việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trong tố tụng hình sự và thi hành án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

 

Đối tượng áp dụng bao gồm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong CAND. Người khiếu nại; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại trong CAND.

 

Phân loại khiếu nại, kiến nghị, phản ánh quy định tại Điều 5 dự thảo gồm có: Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an; Khiếu nại quyết định kỷ luật sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên, công nhân Công an; Khiếu nại về chế độ chính sách, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, tuyển sinh, tuyển dụng, tiêu chuẩn chính trị, thi đua khen thưởng; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự; Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hình sự…

 

Việc tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, phản ánh từ các nguồn sau: 
- Do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến theo quy định của pháp luật;
- Do cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trực tiếp;
- Gửi qua dịch vụ bưu chính và các nguồn hợp pháp khác.

 

Cơ quan, đơn vị, cá nhân sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại (sau đây gọi chung là đơn) từ các nguồn nêu trên phải vào sổ và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để quản lý, theo dõi; phải đóng dấu “Đến” và ghi rõ ngày nhận đơn. Cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm bảo quản, không làm hư hỏng, thất lạc, không làm thay đổi hình thức và nội dung đơn.

 

Việc xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của CAND; Xử lý đơn có nhiều nội dung thuộc nhiều cấp có thẩm quyền giải quyết trong CAND; Xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của CAND cũng được quy định cụ thể tại Dự thảo này.

 

Đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND, dự thảoThông tư này quy định quy trình giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật và quyết định về chế độ chính sách của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND.

 

Đối tượng áp dụng bao gồm: Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại trong CAND. Người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương.

 

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quy định tại Chương II gồm có: Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại; Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại; Ban hành, gửi công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại. 

 

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật, quyết định về chế độ chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo việc thụ lý bằng văn bản cho người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại (sau đây gọi chung là người đại diện hợp pháp của người khiếu nại).

 

Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì tiến hành thụ lý, trong đơn khiếu nại phải có đầy đủ chữ ký của những người cùng khiếu nại về nội dung đó và có văn bản cử người đại diện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.

 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành thông báo thụ lý hoặc thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính phải gửi đến người khiếu nại hoặc người đại diện hợp pháp của người khiếu nại và cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại đến (nếu có). Trường hợp khiếu nại quyết định kỷ luật, quyết định về chế độ chính sách thì gửi thông báo đến người khiếu nại.

 

Toàn văn 02 dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.