Ký kết Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc

07/06/2017
Ngày 07/6/2017, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ngày 07/6/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Séc về hợp tác phòng, chống tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và ngài Robert Pelikán, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc đã ký chính thức Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Séc về chuyển giao người bị kết án phạt tù; thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và ngài Vitezslav Grepl, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam đã ký chính thức Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Séc về hợp tác phòng, chống tội phạm.

Đây là hai hiệp định do Bộ Công an chủ trì đề xuất việc đàm phán, ký kết. Việc ký kết các hiệp định có ý nghĩa pháp lý, đối ngoại quan trọng, nhằm tăng cường và hoàn thiện cơ sở pháp lý hợp tác song phương trong phòng, chống tội phạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp toàn diện giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm cũng như chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Cộng hòa Séc nói riêng.

Việc ký kết các hiệp định được tiến hành trên cơ sở nội dung đã được hai Bên thống nhất (đàm phán Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù từ ngày 13-14/4/2011 tại Hà Nội và Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm từ ngày 03-04/6/2013 tại Praha), đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế cùng lĩnh vực mà Việt Nam đã ký kết.

Theo đó, Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm có 16 điều quy định về: phạm vi hợp tác (Điều 1); hình thức hợp tác (Điều 2); cơ quan có thẩm quyền (Điều 3); yêu cầu hợp tác (Điều 4); từ chối thực hiện hợp tác (Điều 5); ngôn ngữ (Điều 6); sỹ quan liên lạc (Điều 7); bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 8); bảo mật thông tin (Điều 9); chuyển giao thông tin cho nước thứ ba (Điều 10); chi phí (Điều 11); đánh giá và thực hiện các thỏa thuận (Điều 12); giải quyết bất đồng (Điều 13); phù hợp với các điều ước quốc tế khác (Điều 14); tạm dừng thực hiện (Điều 15); điều khoản cuối cùng (Điều 16).

Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù có 16 điều, gồm: định nghĩa (Điều 1); các nguyên tắc chung (Điều 2); các cơ quan trung ương (Điều 3); yêu cầu và trả lời yêu cầu (Điều 4); điều kiện chuyển giao (Điều 5); xác minh sự đồng ý (Điều 6); tài liệu kèm theo (Điều 7); hiệu lực của việc chuyển giao đối với Nước chuyển giao (Điều 8); hiệu lực của việc chuyển giao đối với Nước nhận (Điều 9); đặc xá, đại xá, giảm hình phạt (Điều 10); xem xét lại bản án (Điều 11); kết thúc thi hành hình phạt (Điều 12); thông tin về thi hành hình phạt (Điều 13); quá cảnh (Điều 14); ngôn ngữ và chi phí (Điều 15); điều khoản cuối cùng (Điều 16) .

Thời gian tới, để triển khai các công việc tiếp theo phục vụ cho việc phê chuẩn và phê duyệt để các hiệp định chính thức có hiệu lực, theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Công an chủ trì với các bộ, ngành có liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết để báo cáo cấp có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và phê duyệt Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm, đồng thời, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định này./.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website