Hỏi đáp trực tuyến

Tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý việc mua bán quân trang, quân phục của ngành Công an trên thị trường

Người gửi: Cử tri Bình Phước

 Hiện nay, tình trạng mua bán quân trang, quân phục của ngành Công an, Bộ đội công khai dễ dàng trên thị trường, điều này dẫn đến việc một số kẻ xấu lợi dụng trang bị giả danh lực lượng Công an, Bộ đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và xử lý tình trạng trên.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 3868

Câu trả lời

Về vấn đề này, Bộ Công an xin trả lời, như sau:

Thời gian qua, xuất hiện một số địa điểm trưng bày, mua bán trang phục Công an nhân dân trái phép, dẫn đến số đối tượng xấu lợi dụng, giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, như cử tri phản ánh.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2016/NĐ-CP, ngày 21/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2007/NĐ-CP, ngày 30/10/2007 quy định Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân; trong đó, tại khoản 5 Điều 1, Nghị định số 29/2016/NĐ-CP quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm sản xuất, làm giả, mua, bán, sử dụng trái phép trang phục Công an, cảnh giác với các thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Quản lý chặt chẽ trang phục Công an nhân dân từ khâu sản xuất, cấp phát, sử dụng và thu hồi theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sản xuất, làm giả, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân.

(2) Quản lý chặt chẽ trang phục Công an nhân dân, tăng cường kiểm tra, khắc phục những sơ hở trong quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi mua, bán trái phép trang phục Công an.

(3) Tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trang phục Công an nhân dân; tiến hành đăng ký bản quyền, làm cơ sở pháp lý bảo hộ trang phục Công an nhân dân.

(4) Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán trái phép và sử dụng trang phục Công an để phạm tội, nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân./.

Người trả lời: Bộ Công an