Hỏi đáp trực tuyến

Hỏi về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá

Người gửi: Võ Thanh Hoàng

Ở nơi tôi sinh sống có một số người đã từng vi phạm pháp luật và bị kết án tù, trong quá trình chấp hành án phạt tù, họ đã cải tạo tốt và được đặc xá tha tù trước thời hạn. Tôi được biết những người như họ có quyền được giúp đỡ để tái hòa nhập với cộng đồng. Bộ Công an cho tôi hỏi, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Ngày hỏi: 28/06/2018 Lượt xem: 6398

Câu trả lời

Theo báo cáo, các trại giam, trại tạm giam đã tổ chức được 573 lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho hơn 82.000 phạm nhân được đề nghị đặc xá với nội dung tư vấn giáo dục những vấn đề cần thiết về chấp hành pháp luật sau khi được đặc xá, xóa án tích, tác hại của ma túy, HIV/AIDS, các thủ tục để đăng ký hộ khẩu, xin cấp chứng minh nhân dân, những kiến thức cơ bản để hòa nhập với cộng đồng…
 

Các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để người được đặc xá liên hệ với thân nhân nên ngay sau khi công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và tha người được đặc xá, hầu hết số phạm nhân được đặc xá đều được thân nhân đến đón và đưa về với gia đình. Số phạm nhân được đặc xá phải tiếp tục chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, các trại giam đã trực tiếp bàn giao cho Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú để tổ chức quản lý, giáo dục theo quy định; đối với những người được đặc xá ốm yếu, không có thân nhân đến đón, trại giam đã tổ chức đưa về và bàn giao cho gia đình người được đặc xá. Số người được đặc xá còn lại không có thân nhân đến đón, các trại giam đã đưa đến bến xe, ga tàu gần nhất để thuận tiện cho họ trở về nơi cư trú. Các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã cấp cho người được đặc xá tiền tàu xe, tiền ăn, quần áo, giày dép theo đúng chế độ.
 

Công an các cấp nắm vững hoàn cảnh từng người được đặc xá trở về cộng đồng, gặp gỡ, động viên, quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng, tránh mặc cảm, xa lánh, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội liên hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ, tiếp nhận, tạo việc làm cho người được đặc xá ổn định cuộc sống, tránh tái phạm... Bộ Công an đã cùng Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp triển khai công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá.. Quá trình triển khai công tác tái hòa nhập cộng đồng đã xuất hiện nhiều mô hình tổ chức giúp đỡ người được được đặc xá và người chấp hành xong án phạt tù như: mô hình “Quỹ hoàn lương” của Thành phố Hồ Chí Minh, “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” của các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, các mô hình của thành phố, tỉnh: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nam Định... Các mô hình này đang được nhân rộng tới nhiều địa phương và nhận được nhiều sự hợp tác của các tổ chức kinh tế, xã hội, các doanh nhân tham gia giúp đỡ người được đặc xá và người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, có việc làm, tạo lập cuộc sống ổn định, hạn chế tái phạm.
 

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được Công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân; trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định; công tác hòa nhập cộng đồng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư vào công tác cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá. Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp (1.007 người, chiếm tỉ lệ 1,16%).

Người trả lời: Bộ Công an