INTERPOL cảnh báo về lừa đảo tài chính liên quan đến COVID-19

15/03/2020
Mới đây, INTERPOL đã cảnh báo người dân cần cẩn trọng hơn khi mua các sản phẩm y tế được bán trực tuyến trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng. Tội phạm có thể lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân trước đại dịch Covid-19 để lừa đảo trực tuyến, hoặc thực hiện một số hành vi lừa đảo tài chính.
Trước nhu cầu tăng đột biến đối với mặt hàng khẩu trang và các vật tư y tế khác do dịch bệnh Covid-19, số lượng các cửa hàng, trang web, tài khoản xã hội và tài khoản thư điện tử rao bán trực tuyến các mặt hàng này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp người mua không nhận được khẩu trang và các mặt hàng y tế như mình đã đặt hàng, và đồng thời cũng không nhận lại được số tiền đã chuyển khoản.
 
Trên đây chỉ là một trong vô vàn các hình thức lừa đảo tài chính có liên quan đến đại dịch toàn cầu đang diễn ra hiện nay mà cơ quan chức năng các nước thành viên INTERPOL ghi nhận được. Tội phạm thường thực hiện hình thức lừa đảo qua điện thoại – các đối tượng giả làm nhân viên y tế của các bệnh viện và gọi điện thông báo người thân của nạn nhân đã dương tính với Covid-19 và đề nghị nạn nhân chuyển trước một số tiền tạm ứng viện phí; hoặc lừa đảo qua email – các đối tượng giả làm nhân viên y tế để lừa nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin số tài khoản, thẻ tín dụng… hoặc mở tệp đính kèm có chứa mã độc.
 
INTERPOL cảnh báo các hình thức lừa đảo tài chính có liên quan đến dịch bệnh Covid đang diễn ra hiện nay.
 
Trong nhiều trường hợp, các đối tượng sử dụng tên, trang web và địa chỉ email gần giống với tên của các công ty kinh doanh hợp pháp để lừa người mua, thậm chí chủ động tiếp cận người mua thông qua email, tin nhắn trên các ứng dụng mạng xã hội.
 
Ông Jurgen Stock, Tổng Thư ký INTERPOL cho biết, tội phạm đang lợi dụng sự sợ hãi và lo lắng do đại dịch Covid-19 gây ra để phạm tội nhắm vào những nạn nhân đang cố gắng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình… Trước khi mua các sản phẩm y tế trực tuyến, mọi người cần bỏ ra vài phút để xác định chính xác rằng mình đang mua hàng từ một công ty kinh doanh hợp pháp và có uy tín, nếu không thì tiền của bạn sẽ rơi vào túi của những kẻ lừa đảo.
 
Theo số liệu INTERPOL thu thập được, có những vụ nạn nhân bị lừa đến hàng trăm nghìn đô la Mỹ, và loại tội phạm này đang có xu hướng mở rộng, vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
 
Đội phòng, chống tội phạm Tài chính của INTERPOL đang nhận thông tin hàng ngày từ các quốc gia thành viên về các vụ việc lừa đảo và các yêu cầu hỗ trợ ngăn chặn các khoản thanh toán liên quan đến các vụ việc này. Phần lớn các nạn nhân sống tại Châu Á, nhưng tội phạm đã sử dụng các tài khoản ngân hàng ở nhiều khu vực khác như Châu Âu để giả danh các công ty kinh doanh hợp pháp.
 
Cá biệt, có trường hợp một nạn nhân ở Châu Á đã chuyển tiền thanh toán đến nhiều tài khoản ngân hàng ở nhiều nước khác nhau tại Châu Âu. Với sự trợ giúp của INTERPOL, cơ quan chức năng nước sở tại đã phong tỏa được một số khoản thanh toán, nhưng nhiều khoản khác đã bị đối tượng nhanh chóng chuyển qua nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, gây khó khăn cho công tác xác định và truy tìm.
 
Cho đến nay, INTERPOL đã hỗ trợ điều tra 30 vụ lừa đảo liên quan đến COVID-19 tại Châu Á và Châu Âu, giúp phong tỏa 18 tài khoản ngân hàng và đóng băng 730.000 đô la Mỹ liên quan đến các khoản giao dịch đáng ngờ.
 
INTERPOL cũng đã ra Thông báo tím cảnh báo cơ quan thực thi pháp luật 194 nước thành viên về hình thức lừa đảo mới này.
 
INTERPOL cảnh báo: Nếu bạn là khách hàng dự định mua các sản phẩm y tế trực tuyến, hoặc nhận được emails, đường link đưa ra các hỗ trợ y tế, bạn cần kiểm tra các dấu hiệu để chắc rằng bạn không trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, từ đó bảo vệ bản thân và gia đình mình:
Kiểm tra kỹ thông tin về công ty/cá nhân cung cấp sản phẩm trước khi mua hàng;
Nhận thức về các trang web giả mạo – tội phạm thường sử dụng địa chỉ trang web trông gần giống với trang web của công ty kinh doanh hợp pháp, ví dụ “abc.org” thay cho “abc.com”;
Kiểm tra các đánh giá trực tuyến về công ty cung ứng trước khi mua hàng – ví dụ, kiểm tra xem có khách hàng nào khác phàn nàn về việc không nhận được sản phẩm đã đặt hàng hay không.
Cẩn trọng khi được yêu cầu thanh toán chuyển khoản đến một tài khoản ngân hàng tại một nước khác với địa chỉ của công ty cung ứng.
Nếu bạn nghĩ rằng mình đã trở thành nạn nhân, bạn cần ngay lập tức thông báo với ngân hàng của mình để dừng lệnh thanh toán.
Không nhấn vào những đường link hoặc tệp đính kèm do người lạ gửi đến.
Cảnh giác trước những email đưa ra những đề nghị hấp dẫn như cấp phát các sản phẩm y tế hay yêu cầu bạn khai thông tin cá nhân để được kiểm tra y tế. Các cơ sở y tế hợp pháp thường không liên hệ với người dân theo cách thức như vậy.
Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm