Nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên INTERPOL trong ngăn chặn và điều tra các mối đe dọa về an ninh phóng xạ, hạt nhân

19/12/2023
Từ ngày 11/12 - 15/12/2023, INTERPOL đã tổ chức Cuộc họp nhóm làm việc Dự án Geiger về chống khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ, hạt nhân khu vực Đông Nam Á tại Phnom Pênh, Vương quốc Campuchia.

Tham dự Cuộc họp có hơn 60 đại biểu đến từ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ; các chuyên viên cao cấp thuộc Cơ quan phòng, chống khủng bố sử dụng phóng xạ, hạt nhân (RNTPU) của INTERPOL; chuyên gia thuộc Văn phòng chống khủng bố của Cảnh sát quốc gia Albania, Viện Vật lý hạt nhân của Albania và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia.
 

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Cuộc họp.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Cuộc họp.


Dự án Geiger do Cơ quan RNTPU tổ chức thực hiện với mục tiêu hỗ trợ lực lượng điều thực thi pháp luật toàn cầu kết nối, chia sẻ, nâng cao năng lực ngăn chặn và tra các mối đe dọa về an ninh phóng xạ, hạt nhân; được tổ chức thành 04 giai đoạn từ năm 2023 – 2028, gồm: Phòng ngừa (2023 - 2024); Phát hiện (2024 - 2025); Ứng phó (2025 - 2026) và Điều tra (2027 - 2028).

Cuộc họp nhóm tại Campuchia là Cuộc họp Nhóm thứ hai trong giai đoạn phòng ngừa, cung cấp kiến thức về các biện pháp phòng ngừa liên quan đến phóng xạ, hạt nhân; đánh giá và phân tích các vụ việc rò rỉ, mất an ninh, an toàn phóng xạ, hạt nhân.

Tại Cuộc họp, đại diện từ RNTPU đã đánh giá về các mối đe dọa liên quan đến sự cố phóng xạ, hạt nhân. Qua nghiên cứu, thu thập thông tin từ các quốc gia thành viên trong khu vực, INTERPOL nhận định tội phạm ngày nay có xu hướng tiếp cận, đánh cắp và buôn bán trái phép vật liệu phóng xạ, hạt nhân vì nhiều mục đích khác nhau như: gian lận cờ bạc, chế tạo vũ khí… Theo thống kê của RNTPU, trong giai đoạn từ  01/01/2021 đến 27/11/2023, khu vực Đông Nam Á đã xảy ra 10 vụ việc liên quan đến phóng xạ, hạt nhân, trong đó có 02 vụ thất lạc chất phóng xạ; 02 vụ xử lý phóng xạ trái phép; 04 vụ vận chuyển chất phóng xạ trái phép; 01 vụ lưu giữ chất phóng xạ trái phép; 01 vụ mất chất phóng xạ.

Để hỗ trợ các nước đối phó với các mối đe dọa liên quan đến sự cố phóng xạ, hạt nhân, RNTPU đã giới thiệu với các nước về Phương pháp đánh giá nguy cơ khủng bố sử dụng phóng xạ, hạt nhân của RNTPU. Đây là phương pháp đánh giá dựa vào chứng cứ, thông tin thu thập được; phương pháp kiểm định giả thuyết sử dụng kỹ thuật suy luận theo sơ đồ cây; phát hiện hoạt động khủng bố sử dụng thiết bị phát tán phóng xạ (RDD) hay còn gọi là “bom phóng xạ” và thiết bị phơi nhiễm bức xạ (RED); đánh giá nguy cơ dựa trên dữ liệu về tội phạm, thông tin và đưa ra biện pháp ngăn chặn; các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh đối với từng quốc gia thành viên. Đồng thời, INTERPOL cũng đưa ra 02 bài tập tình huống để các quốc gia tiến hành thảo luận, trao đổi về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn ở cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế.

Trong khuôn khổ Cuộc họp, Đoàn đại biểu Việt Nam đã chia sẻ về việc Việt Nam tuy chưa xảy ra bất kỳ vụ tấn công khủng bố nào sử dụng vũ khí phóng xạ, hạt nhân nhưng đã xảy ra một số sự cố mất, thất lạc, vận chuyển trái phép chất phóng xạ do những lỗ hổng trong công tác quản lý an ninh, an toàn phóng xạ, hạt nhân; cũng như các biện pháp ứng phó, phòng ngừa với các sự cố mất, thất lạc, sử dụng phóng xạ, hạt nhân vào mục đích trái phép tại Việt Nam.

Tại buổi gặp song phương giữa đại diện RNTPU và Đoàn đại biểu Việt Nam, INTERPOL quan tâm đến vụ việc một số công dân Việt Nam được phát hiện đã sử dụng chất phóng xạ trên các lá bài để gian lận cờ bạc, các vụ việc đã tiến hành điều tra liên quan đến mất, thất lạc nguồn phóng xạ tại Việt Nam… Đoàn đại biểu Việt Nam đã cung cấp thông tin một cách khách quan và trung thực về các vụ việc liên quan đã xảy ra gần đây tại Việt Nam. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin về các sự cố phóng xạ, hạt nhân, nguy cơ khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ, hạt nhân (nếu có) và cập nhật thông tin liên quan Dự án Geiger.

Kết thúc Hội nghị, INTERPOL cho biết sẽ tiếp tục triển khai Dự án Geiger và tổ chức Hội thảo toàn cầu sau khi kết thúc giai đoạn Phòng ngừa (dự kiến vào tháng 5 năm 2024 tại Băng-Cốc, Thái Lan). Hội thảo toàn cầu sẽ có sự tham gia của các quốc gia thành viên đến từ 04 khu vực: Đông Nam Á, Nam Phi, Trung Á, Biển Đen và vùng Caucasus.

Bản quyền INTERPOL Việt Nam
Tìm kiếm