Hơn 130 nạn nhân mua bán người đã được giải cứu trong chiến dịch Maharlika III

22/04/2020
Từ 24/2/2020 đến 20/3/2020, Chiến dịch Maharlika III do INTERPOL điều phối với sự tham gia của các cơ quan thực thi pháp luật và quản lý biên giới đến từ các nước Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (khu vực BIMP) đã triển khai hoạt động tới các địa điểm chiến lược tại Đông Nam Á, bắt giữ hơn 180 đối tượng với nhiều tội danh, bao gồm 1 đối tượng tình nghi thuộc tổ chức khủng bố Abu Sayyaf (ASG).

Các nạn nhân được các cơ quan chức năng Philippines giải cứu.

Trong chiến dịch này, các cơ quan chức năng Philippines đã giải cứu 82 nạn nhân mua bán người (chủ yếu là phụ nữ tuổi từ 20 -30), Indonesia đã giải cứu 35 người lớn và 17 trẻ em (gồm 12 bé trai và 5 bé gái) trong độ tuổi từ 10-15 đến từ Malaysia. Lực lượng chức năng các nước tham gia chiến dịch đã thu giữ nhiều súng, vật liệu nổ trái phép được chế tạo từ ammonium nitrate và các nguyên vật liệu bất hợp pháp khác, với tổng trị giá hơn 1 triệu euro.

Theo thống kê, các đơn vị ở tuyến đầu được kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu toàn cầu của INTERPOL, thực hiện hơn 13.000 lượt truy cập vào dữ liệu hộ chiếu bị mất cắp, vũ khí và các đối tượng phạm tội.

Ông Karel Pelán, Trợ lý Giám đốc Ban chống khủng bố INTERPOL khẳng định: “Những kết quả của Chiến dịch Maharlika III đã cho thấy sự quan trọng mang tính chiến lược của việc giám sát tuyến di chuyển của các đối tượng khủng bố và tội phạm tại khu vực BIMP, ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang diễn ra”.

Tổ chức Hải quan Thế giới cũng tham gia Chiến dịch với vai trò điều phối giữa cơ quan Hải quan các nước thành viên và thông báo các vụ thu giữ cho Văn phòng INTERPOL tại 4 nước tham gia vào chiến dịch. 

Ngăn chặn việc di chuyển của các đối tượng khủng bố

Trên cơ sở thông tin về tuyến di chuyển phổ biến nhất của các đối tượng khủng bố và các nhóm tội phạm có tổ chức trong khu vực phát triển Đông Nam Á (EAGA), đặc biệt tại biên giới khu vực BIMP, INTERPOL đã phối hợp với các cơ quan chức năng để chọn ra 7 địa điểm chiến lược đặt tại các cửa khẩu và nơi trung chuyển xung quanh biển Celebes và biển Sulu.

Các điểm này đóng vai trò là điểm kết nối để triển khai đồng bộ và điều phối các lực lượng tham gia, bao gồm cứu hộ trên biển, kiểm soát hành khách và các phương tiện vận tải, kiểm tra danh tính của các đối tượng tình nghi.

Tuy nhiên, địa hình của khu vực bị phân tán bởi nhiều đảo nhỏ và nhiều điểm cửa khẩu là vấn đề khó khăn dành cho lực lượng thực thi pháp luật trong việc chặn đứng các hoạt động khủng bố và tội phạm có tổ chức.

Tuyến di chuyển của các đối tượng khủng bố nước ngoài

Sự di chuyển của các tay súng từ Đông Nam Á sang Trung Đông để gia nhập các nhóm khủng bố đã đảo chiều. Kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS/Daesh) sụp đổ tại Trung Đông, các đối tượng khủng bố nước ngoài từ các vùng có xung đột đã đổ về khu vực BIMP-EAGA.

Các đối tượng khủng bố nước ngoài gia nhập các nhóm khủng bố trong khu vực và cung cấp cho các nhóm khủng bố trong khu vực các tài liệu tuyên truyền, thông tin cá nhân, tài chính và các kinh nghiệm trong hành động và chế tạo bom.

Năm 2017, trong cuộc giao tranh giữa các tay súng thuộc một nhánh của IS và lực lượng chính phủ Philippines tại Thành phố Marawi (Philippines), hơn 1000 người thiệt mạng. Trong số những người thiệt mạng tại Marawi, có những đối tượng khủng bố đến từ Chechnya, Indonesia, Malaysia, A-rập Xê-út và Yemen.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm