"Nghĩ trước, bước sau" để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người

26/09/2022
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng diễn biến khá phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tội phạm mua bán người gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của an sinh xã hội và là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác. Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu” và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”.

Việt Nam vẫn luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.

Việt Nam cam kết chung tay phòng, chống mua bán người.


Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”; công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được chú trọng và đẩy mạnh với nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra chuyển truy tố và đưa ra xét xử 29/61 bị cáo phạm các tội danh mua bán người được quy định  tại Điều 150, Điều 151, Bộ Luật Hình sự và 01 vụ/01 bị cáo phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154, Bộ Luật Hình sự; các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán…

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn tinh vi, như: sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài với vỏ bọc đi du lịch; lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi”, tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn; tìm kiếm việc làm, “việc nhẹ lương cao”, trị bệnh… sau khi con mồi “mắc bẫy”, đưa sang nước ngoài, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê, nô lệ tình dục… Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật, muốn có công việc lương cao, nhàn nhã; không ít nạn nhân là các phụ nữ quá lứa, nhỡ thì hoặc cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan, thất vọng; các em nữ ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống… Điển hình như thời gian gần đây nhiều nạn nhân (chủ yếu trong độ tuổi 18 -35 tuổi) bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, nhưng thực chất bị ép vào làm việc tại các sòng bạc; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi nạn nân không chịu được sức ép, chúng bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. 

Để đấu tranh, phòng chống mua bán người hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia tích cực và sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp Nhân dân; trong đó cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, cần thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn. Phòng, chống mua bán người phải là một nội dung căn bản của công tác phòng, chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội (như: vấn đề hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo…).

Cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người… để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người.


Triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên không gian mạng. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người. Thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, cư trú, xuất nhập cảnh… và ứng dụng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm chủ động từ khâu phòng ngừa, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật những quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Huy động nguồn lực từ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân cho công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bộ công an khuyến cáo người dân:

“Nghĩ trước, bước sau” đó là thông điệp hết sức ý nghĩa để người dân cân nhắc trước tương lai, vận mệnh của mình, của người thân. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Tự bảo vệ chính bản thân mình và người thân trước những hành vi phạm tội của tội phạm mua bán người.

Mỗi người dân cần tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hoặc số điện thoại đường dây nóng của cơ quan đại diện, tổng đài bảo hộ công dân: +84981.848484.

 

Lê Dũng
Liên kết