Mua, bán người trái phép: Cảnh giác trước lời mời tuyển dụng lao động ở nước ngoài

14/12/2023
Tình hình tội phạm mua, bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, do thị trường lao động chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn còn ảnh hưởng. Hàng chục nghìn lao động phổ thông mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, do đó nhu cầu tìm việc làm, chuyển dịch lao động đến các khu công nghiệp, thành thị, nhu cầu xuất khẩu lao động, hôn nhân với người nước ngoài tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua, bán người trái phép.

Trong quý III/2023, các đơn vị địa phương phát hiện, điều tra 85 vụ với 230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại điều 150, điều 151 Bộ luật hình sự; xác định có 224 nạn nhân bị mua bán. Riêng đợt Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ 01/7/2023 đên 30/9/2023), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 234 đối tượng.

Lực lượng chức  năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc (Ảnh tư liệu).


Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng, tính chất tội phạm nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, chủ yếu xảy ra trên các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; đội lốt dưới các vỏ bọc cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp; ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân... 

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tố chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia, phổ biến là: Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, điện thoại, sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc bán vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện trong nước. 

Không gian mạng vẫn là điểm nóng để các nhóm đối tượng lừa đảo, tuyên người lao động tìm việc làm việc nhẹ lưong cao và lừa bán nạn nhân. Tuyến biên giới vẫn là địa bàn "nóng", tội phạm mua bán người lợi dụng đưa người xuất cảnh trái phép hoặc lừa bán nạn nhân qua biên giới đưa sang nước thứ ba.

Nổi lên là: Khu vực Đông Nam Á tình trạng hoạt động lừa đảo trực tuyến tại các sòng bạc, cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến, trong đó Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines là điểm đến chủ yếu, Thái Lan là địa bàn trung chuyển . Mặc dù chính quyền một số nước đã tăng cường trấn áp tội phạm, kiểm tra các cơ sở sòng bạc, trò chơi trực tuyến, kiểm soát chặt chẽ đi lại ở khu vực biên giới nhung tình hình lừa đảo lao động qua mạng chưa có dấu hiệu giảm. 

Các đối tượng người Việt Nam trong nước câu kết với các đối tượng ngưởi Việt Nam ở nước ngoài như Thái Lan, Myanmar để tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang Myanmar làm việc nhẹ lương cao. Tại Myanmar, nạn nhân bị bắt làm những công việc như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên máy tính, làm việc trong các Casino tại các công ty do người Trung Quốc làm chủ. Nạn nhân muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn.

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng.


Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người, người dân cần cảnh giác, cân nhắc kỹ trước những lời mời chào đi lao động, làm việc ở nước ngoài: 

- Trước khi muốn đi xuất khẩu lao động ở nước nào phải tìm hiểu kỹ thị trường và những công ty, trung tâm xuất khẩu lao động của Nhà nước hoặc tư nhân được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài để được đảm bảo quyền lợi, tránh những trường hợp đăng ký ở những công ty, trung tâm chưa được cấp phép dẫn đến tiền mất, nhưng vẫn không được xuất cảnh đi lao động. 

- Trong thời gian xuất khẩu lao động ở nước ngoài phải chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại và những điều đã ký kết trong hợp đồng, hết hạn hợp đồng phải về nước theo quy định, tránh trường hợp trốn ở lại, những trường hợp trốn ở lại nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ bị trục xuất về nước và bị cấm nhập cảnh trong khoảng thời gian nhất định tùy theo pháp luật mỗi nước.

- Nếu trong quá trình lao động có vấn đề gì phát sinh, thì người lao động phải liên hệ với công ty, trung tâm chủ quản đưa mình đi để giải quyết. 

- Khi đi xuất khẩu lao động, nếu chẳng may vướng vào các đường dây đưa người đi lao động “chui” ở nước ngoài và bị cơ quan nước ngoài bắt giữ, trước hết cần liên hệ ngay về gia đình để họ trình báo với cơ quan chức năng, tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân về nước. Sau khi về nước thì người lao động phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng địa phương để có hướng giải quyết tùy vào tính chất vụ việc.

- Đề nghị người dân khi phát hiện dấu hiệu hoạt động của tội phạm mua, bán người thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.


 

Ban Biên tập
Liên kết