Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội: Thủ đoạn không mới nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy

25/04/2022
Quý I/2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Nghệ An nhận được hàng chục tin báo tố giác tội phạm của người dân phản ánh về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên không gian mạng. Điều đáng chú ý là thủ đoạn của các đối tượng không mới, nhưng người dân vẫn bị lừa.

Điển hình như đầu tháng 01/2022, ông Trần Đức Thành, trú tại thành phố Vinh đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trình báo việc bị các đối tượng lừa lấy số tiền 500 triệu đồng từ sổ tiết kiệm. Theo lời kể của nạn nhân, khoảng 10 giờ sáng, một đầu số lạ gọi điện cho ông Thành thông báo ông có gửi một bưu kiện đi nước ngoài, nội dung bưu kiện này liên quan đến vấn đề rửa tiền, yêu cầu ông hợp tác điều tra. Ngay sau đó, người này nối máy để nạn nhân nói chuyện với các đối tượng khác tự giới thiệu là Đại úy Công an, Viện phó Viện kiểm sát để khai thác thông tin, sau đó gửi lệnh bắt tạm giam và yêu cầu nạn nhân khai báo số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP vào một ứng dụng được gửi đến. Lúc này, nạn nhân tỏ ra hoảng hốt và làm theo đúng yêu cầu của các đối tượng, trong phút chốc số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của ông Thành đã bị các đối tượng rút sạch. 

Sau hơn 02 tháng xảy ra vụ việc, ông Thành vẫn không hiểu vì sao mình lại mê muội làm theo, "lúc đó giống như mình bị thôi miên vậy, bọn chúng gọi điện từ 10 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày, khiến tôi rất mệt mỏi" - ông Thành cho biết. Cùng thủ đoạn ấy, một người phụ nữ trên địa bàn huyện Diễn Châu bị các đối tượng lừa đảo và chiếm đoạt số tiền 1,5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng. Dấu hiệu đặc trưng của loại tội phạm này là bọn chúng thường gọi điện trong khoảng thời gian dài, khiến người dân không kịp suy nghĩ được gì và làm theo những yêu cầu của chúng. 

Đối với thủ đoạn này, Trung tá Trần Thiện Giang, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân cần chấm dứt nhận cuộc gọi từ số thuê bao có đầu số lạ, không phải là đầu số của Việt Nam (+84) gọi đến nói chuyện, đồng thời trao đổi với người thân trong gia đình, bạn bè có am hiểu kiến thức pháp luật nhất định để tư vấn rõ hơn.

Các loại giấy tờ giả được các đối tượng sử dụng, gửi đến nạn nhân để đe dọa và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Tuyển cộng tác viên online là một thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến trong thời gian gần đây. Đây là hình thức lừa đảo đã xuất hiện từ lâu, nhưng thời gian gần đây, lợi dụng hình thức thuê người đặt hàng ảo để tăng lượng đơn hàng, nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Các đối tượng đã sử dụng "mồi nhử" hấp dẫn như: Mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng, việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền gốc và "hoa hồng" sẽ được chuyển khoản về tài khoản người đặt hàng ít phút sau khi đặt hàng thành công. 

Ban đầu, để tạo lòng tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống các ứng dụng bán hàng của Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm từ vài trăm đến vài triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng lừa đảo cung cấp để nạn nhân chuyển khoản số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Khi nạn nhân đã "cắn câu", chuyển số tiền lớn hơn thì các đối tượng không chuyển khoản ngược lại và đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân tiếp tục "say mồi" như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm. Khi nạn nhân biết bị lừa, yêu cầu lấy lại số tiền gốc thì các đối tượng chặn số, ngắt kết nối.

Là nạn nhân của thủ đoạn trên, anh Long, 30 tuổi, trú tại huyện Nam Đàn cho biết, trong một lần để lại bình luận mua hàng trên mạng xã hội thì có một đối tượng gọi điện tuyển cộng tác viên bán hàng online, anh Long tham gia và bị lừa mất 30 triệu đồng. Người này cho biết, trong 02 đơn hàng đầu tiên, chỉ cần bỏ ra 400 đến 500 ngàn đồng và chờ 15 phút sau khi chuyển tiền mua hàng cho các đối tượng, anh đã nhận đủ số tiền hoa hồng và tiền gốc. Nghĩ kiếm được tiền nhanh và đơn giản, anh Long tiếp tục các đơn hàng tiếp theo với số tiền cao hơn lên đến hàng triệu đồng, đến khi bỏ ra 30 triệu mà chưa lấy lại được tiền anh mới chủ động dừng việc mua hàng và liên hệ đòi tiền, nhưng các đối tượng đã chặn zalo, khóa sim, không thể liên lạc được.

Chỉ trong Quý I/2022, Công an tỉnh Nghệ An đã khám phá, bắt giữ 11 vụ, 17 đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thu giữ số tiền hàng chục tỷ đồng, trong đó Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện, bắt giữ 06 vụ, 12 đối tượng. 

Để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An ban hành văn bản cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên không gian mạng, gửi tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị để tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân. Trong đó, khuyến cáo người dân không nhấn vào các đường link lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các cuộc gọi, đường link gửi bằng mail, tin nhắn. Nếu người thân, bạn bè nhắn tin vay mượn tiền qua mạng xã hội thì gọi điện trực tiếp cho người đó để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền. Khi phát hiện sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần thông tin cho cơ quan Công an để phục vụ công tác xác minh, điều tra, làm rõ.
 

Đức Vũ – Tuấn Đạt
Liên kết